Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả theo phương pháp 50/30/20

Robert Kiyosaki – tác giả của bộ sách Dạy con làm giàu đã khẳng định: “Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn”. Vì vậy khi cầm tiền trong tay, việc đầu tiên không phải là tiêu nó vào việc gì mà hãy nghĩ đến việc quản lý số tiền này như thế nào. Phương pháp 50/30/20 chính là cứu cánh cho những ai đang tập tành quản lý tài chính cá nhân.
Nguyên tắc 50/20/30 được Elizabeth Warren – nhân vật được Tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2017 đề cập trong cuốn sách của bà. Nói cho đơn giản, phương pháp 50/30/20 sẽ chia thu nhập của các bạn ra từng nhóm riêng biệt, từ đó giúp bạn có kế hoạch tài chính rõ ràng hơn.
1. Nhóm 50%: Nhóm chi phí thiết yếu
Chi phí thiết yếu là những chi phí bạn nhất định phải bỏ ra dù bạn đang ở giai đoạn nào đi chăng nữa và tương đối giống nhau ở tất cả mọi đối tượng, đó sẽ là những khoản như thực phẩm, thuê nhà, điện, nước, internet,… Bạn không nên chi quá 50% số lương cho những chi phí này, nhưng nếu bạn lỡ vượt quá con số trên, hãy giảm bớt chi phí bằng cách nấu ăn tại nhà, di chuyển bằng phương tiện công cộng, tiết kiệm điện,… Trong trường hợp bất khả kháng, bạn sẽ phải cắt bớt những khoản khác để bù vào chi phí thiết yếu.
2. Nhóm 30%: Nhóm linh hoạt
Đây là nhóm dành cho những hoạt động giải trí/ hưởng thụ/chi phí bất ngờ khác. Đây có thể là một buổi cà phê “sang chảnh” với bạn bè, tiền để dành cho một chuyến đi phượt, mua một chiếc điện thoại mới, sửa chiếc xe bỗng dưng chết máy dọc đường… Nhìn chung, nhóm này linh hoạt là bởi trong cuộc sống hiện đại, chúng ta có rất nhiều khoản phải chi dùng mà không thể kể tên. mục tiêu chung là giảm bớt chi phí ở nhóm linh hoạt và tăng nhóm tích luỹ lên.
3. Nhóm 20%: Nhóm tích luỹ – Mục tiêu tài chính
Đây là khoản dành để tích luỹ, đầu tư cho tương lai. thông thường, nhóm này dùng để bỏ tiết kiệm, đầu tư vào các kênh sinh lời (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,..), đầu tư cho giáo dục để có một vị trí tốt hơn cho tương lai. Giá trị khoản này càng lớn thì cuộc sống của bạn khi về hưu càng được đảm bảo.